Nám da mặt còn gọi là sạm da mặt ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là nữ giới chiếm đại đa số (khoảng 90% các trường hợp ở tuổi >40). Hiện tượng này làm nhiều người thực sự quan tâm vì gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, sinh hoạt và thẩm mỹ.
Nám da mặt là gì?
Nám da mặt có thể là biểu hiện ngoài da của một bệnh nội ngoại khoa quan trọng nào đó. Khi có nám da mặt đơn thuần, nghĩa là chỉ khu trú trên da mặt, đó chỉ do tác nhân bên ngoài gây nên bởi các yếu tố lý, hóa, cơ học hoặc do các rối loạn nội tiết và chuyển hóa đơn thuần thoáng qua làm gia tăng lượng sắc tố da (còn gọi là chất Melanine) khi da mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khi đó da sẽ bị nám từng vùng, đôi khi toàn bộ da mặt.
Nám da mặt hình thành như thế nào?
Trên 1 mm da người có khoảng 1000-1500 Melanine bào (tế bào sản xuất Melanine). Các Melanine bào này là những “nhà máy” sản xuất Melanine, khi lượng Melanine sản xuất quá nhiều sẽ gây nên tình trạng da mặt có màu đen hoặc nâu đen.
Chất Melanine tích tụ thành những hạt nhỏ li ti trong các Melanine bào, đôi khi tràn cả xuống lớp tế bào đáy nằm phía dưới. Chất Melanine không tự nhiên mất đi, lượng nhiều sẽ tạo thành từng mảng, tách rời hoặc liên kết với nhau.
Chất Melanine được sản xuất từ Tyrozine (gọi là tiền chất Melanine), không màu. Men xúc tác Thyrozinaze biến đổi Tyrozine thành Melanine, có màu đen hoặc nâu đen. Quá trình tạo Melanine nhanh, chậm, nhiều, ít phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài như tia cực tím, bức xạ, sức nóng môi trường kể cả ánh nắng mặt trời. Song có một số chất khác lại làm giảm quá trình sản xuất Axit Ascorbic (Vitamin C) hoặc Hydroquinon và các dẫn xuất của nó.
Nguyên nhân nào gây nên nám da mặt?
Danh từ nám da mặt chỉ để gọi một thể sạm da khu vực, khu trú trên da mặt (Melanosis) còn các vùng da khác bình thường. Bệnh suy tuyến thượng thận (Addison) cường tuyến thượng thận (bệnh Cushing), bệnh gai đen, sốt rét, Lupus ban đỏ, suy dinh dưỡng, bệnh nhiễm sắc tốt sắt… là những bệnh gây nám da mặt và toàn thân.
Nám da mặt thông thường không xuất phát từ bệnh hệ thống, được phân biệt làm hai loại: Cảm quang (nhạy với ánh nắng), đó là những nguyên nhân như dị ứng với hóa mỹ phẩm, xà bông, các loại hóa chất, thuốc tây (thuốc ngừa thai, thuốc sốt rét như Chloroquine, Optalidon, Amidaron, Rifamycin). Nhóm không cảm quang (không nhạy cảm với ánh nắng) gồm có nám má (Chloasma) thường gặp ở phụ nữ có thai, sạm da Riehl ở phụ nữ 35-40 tuổi, suy dinh dưỡng, bệnh Á sừng. Đó là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Biểu hiện của nám da mặt như thế nào?
Thường gặp ở phụ nữ > 35 tuổi, song hiện nay người ta gặp sớm hơn (> 20 tuổi). Khi nám da mặt bắt đầu xuất hiện ở người ít tuổi, vết nám thường khó phát hiện vì vết nám nhỏ, diện hẹp, mờ, chỉ nhìn rõ dưới kính lúp hoặc qua máy soi da. Vết nám tăng diện tích và độ đậm theo lứa tuổi, cao điểm vào tuổi > 35 ở phụ nữ. Đến khi giai đoạn tiền mãn kinh xuất hiện nhiều hơn, nhanh hơn. Một số thống kê cho thấy nám da mặt xuất hiện đồng thời với biểu hiện rối loạn kinh nguyệt một cách rõ rệt.
Trên da mặt, vết nám thường xuất hiện rải rác, nhỏ như đầu tăm hoặc cụm thành từng đám lấm tấm quanh mép (môi trên nhiều hơn), hai gò má, hai bên cánh mũi, quanh mắt, trán. Thông thường kèm theo tình trạng khô da, khi trời nắng to, oi bức hay bị ngứa nhẹ. Hiện tượng bong tróc tế bào da mặt tăng do tình trạng lão hóa, rối loạn sinh lý hô hấp tế bào vì bị nhiễm Melanine quá mức.
Quá trình nám da mặt có thể kèm theo tình trạng nhăn da mặt sớm hơn ở người bình thường, nét mặt già trước tuổi, kèm theo các yếu tố khác như thần kinh (lo lắng, mặc cảm hoặc hoang tưởng tới bệnh nội khoa quan trọng khác).
Vì sao phụ nữ hay bị nám da hơn nam giới?
Về sinh lý, chu trình nội tiết nam ổn định gần như suốt cả cuộc đời, các giai đoạn phát triển của cơ thể không làm thay đổi sinh lý nội tiết đáng kể, không thay đổi đột ngột và phức tạp. Hơn nữa sức đề kháng Hormone – thần kinh nam dường như có khả năng chống lại các tác nhân bên ngoài tốt hơn.
Ở phụ nữ, các thời kỳ phát triển sinh lý phức tạp và đột ngột hơn như tuổi dậy thì, kinh nguyệt, thai kỳ, tiền mãn kinh và mãn kinh. Hai hormone sinh dục nữ là Estrogene và Progesterone tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Riêng Estrogene còn có tác dụng làm da trắng, mỏng, mịn là đặc trưng của da phụ nữ. Khi có rối loạn kinh nguyệt, lượng Estrogene thay đổi bất thường; các loại hóa mỹ phẩm, thuốc ngừa thai, các loại hóa chất khác mà phụ nữ thường dùng mỗi ngày đều là những tác nhân góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp làm tỉ lệ nám da mặt ở phụ nữ tăng hơn nam giới.
Ánh nắng mặt trời đối với nám như thế nào?
Ánh nắng mặt trời mang nhiều tia tử ngoại, là tác nhân chính gây nám da mặt. Nắng càng nhiều càng thúc đẩy gia tăng sản xuất nhiều chất Melanine để tạo màu da đen hơn để tự vệ. Hằng ngày, tức khoảng thời gian từ 10h đến 15h là lúc nắng nhất và lượng tia tử ngoại tác động vào da mặt nhiều nhất. Đó là lý do vì sao vào mùa hạ phụ nữ nám da mặt nhiều hơn vào mùa đông, xuân.
Sức nóng làm da mất nước, bong tróc tế bào và khả năng nuôi dưỡng da kém hơn. Nếu tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên trực tiếp mà da không được bảo vệ sẽ làm thay đổi: giảm độ bong, xù xì, nám, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa (da nhão, giảm đàn hồi, nhăn sớm, tàn nhang, đồi mồi… Có thể xuất hiện sớm hơn bình thường.
Cách phòng và trị?
Phòng nám da mặt là phương pháp trị nám hữu hiệu nhất, đỡ tốn kém nhất: mang dù, nón rộng vàng, kiếng mát, khăn che mặt khi đi nắng, làm việc trong bóng râm, mát mẻ là những phương pháp thực hiện chống lại tác dụng trực tiếp của ánh nắng. Dùng kem chống nắng khi đi đường, làm việc ngoài trời, tắm biển… là cần thiết.
Khi đã bị nám ít phải trị sớm, không coi thường khi độ nám mới xuất hiện vì tiến triển của nám rất nhanh khi gặp các tác nhân bên ngoài. Nên dùng kem dưỡng da chứa các loại vitamin E,A,C và các hoạt chất giữ độ ẩm cho da, nên dùng vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
Kem có chứa Hydroquinol (mequinon) như Leucodinine B vẫn được sử dụng ở nhiều nước để trị nám (chưa có bằng chứng cụ thể chất Hydroquinol gây ung thư da). Vitamin C liều cao (uống hoặc chích kéo dài) cũng có khả năng làm giảm vết nám. Retinoin được sử dụng điều trị nám rất hữu hiệu.
Khi có rối loạn kinh nguyệt, tiền mãn kinh cần tới bác sỹ chuyên khoa để xác định và điều hòa nội tiết. Tâm lý ổn định (giảm lo âu, buồn phiền), tránh mất ngủ, ăn uống điều độ, thức ăn giàu Vitamin A,E,C, chăm sóc da mặt (Massage) làm tăng cường tuần hoàn da đã có nhiều ích lợi cho việc phòng và trị nám da mặt.